Khi Nào Nên Mổ Thay Khớp Gối 7 Điểm Cần Nhớ
Bệnh

Khi Nào Nên Mổ Thay Khớp Gối 7 Điểm Cần Nhớ

4.2/5 - (5 bình chọn)

Đau khớp gối do viêm thoái hóa khớp (knee osteoarthritis) là bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi. Lý do là phần sụn giữa hai xương ở khớp gối mòn đi do áp lực, dẫn đến xương gần đụng xương, gây ra cơn đau khi đi đứng hay vận động.

Khi bệnh nhân khám Bác Sĩ do đau khớp gối, Bác Sĩ có thể sẽ đề cập đến phẫu thuật thay khớp (TKA Total Knee Arthroplasty) như một phương pháp chữa dứt đau khớp hoàn toàn.

Tại Mỹ, có khoảng 1 triệu ca thay khớp hàng năm và dự đoán sẽ tiếp tục tăng do ngày càng có nhiều bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh viêm khớp do thoái hoá.

7 Điểm Quan Trọng Gợi Ý Quý Vị Nên Đi Thay Khớp Gối

Khi đau gối kéo dài không giảm

Khi cơn đau dài liên tục không giảm cho dù quý vị đã uống thuốc mạnh và đã chữa với các biện pháp không can thiệp:

Khi quý vị dùng hết các loại thuốc, chích thuốc steroid vào khớp, và thử tập vật lý trị liệu một thời gian mà con đau không hề giảm thì đây là lúc chúng ta nên nghĩ đến phẫu thuật.

Quý vị nhớ là có rất nhiều thuốc giảm đau (uống, NSAID, APAP, Opiod, SSRI, hay xức), nhiều cách tập vật lý trị liệu, và nhiều cách chích.

Khi viêm khớp gối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của quý vị

Viêm khớp làm quý vị ngủ không được, không thể làm việc, hoặc uống thuốc có quá nhiều tác dụng phụ thì quý vị nên nghĩ đến việc thay khớp gối

Khi khớp gối của quý vị liên tục sưng và cứng:

Đây là dấu hiệu viêm sưng do sụn mất đi, dẫn đến xương cọ lên xương, dần dân làm khớp cứng và xơ. Mặc dù con đau có thể không nhiều nhưng thay khớp sớm có thể phục hồi chức năng tốt hơn và các khớp lân cận (khớp háng hay chân) sẽ không bị ảnh hưởng.

Khi quý vị bị tổn thương khớp

nếu quý vị bị tai nạn hay có những dị tật bẩm sinh làm viêm khớp gối, thay thế khớp có thể là một lựa chọn tốt vì nó sẽ giúp quý vị mau lành và mau phục hồi chức năng ban đầu

Khi khớp gối quý vị đau ngay cả khi ngồi nghỉ

Cho thấy các tổn thương và dây thần kinh đã khá trầm trọng. Phần lớn khớp gối sẽ đau khi quý vị vận động và giảm đau khi quý vị ngưng vận động.

Khi chân cẳng quý vị bị cong ra ngoài

cho thấy tổn thương sụn khá nặng (có thể là một bên), dẫn đến cấu trúc thay đổi và hình dáng thay đổi. Thay khớp gối trong trường hợp này có thể phục hồi nhanh tổn thương. Nếu để quá lâu sẽ ảnh hưởng đến các khớp khác như khớp háng hay khớp chân.

Khi quý vị muốn chạy nhảy liên tục

Các khớp nhân tạo có thể sử dụng trong 15-25 năm. Nếu quý vị là người thích chạy thường xuyên, đi bộ, và đau khớp khiến quý vị phải giảm bớt các hoạt động này thì thay khớp có thể là một lựa chọn tốt.

Thay Khớp Ngày Nay Quý Vị Sẽ Gặp Nhiều Bác Sĩ Chuyên Khoa

Các nghiên cứu cho thấy nhiều Bác Sĩ chuyên khoa cùng chăm sóc sẽ giúp bệnh nhân mau phục hồi và giảm đau.

  • Chăm sóc bệnh nhân đau khớp bắt đầu từ giảm cân
  • Kiểm soát tốt các bệnh tim mạch và bệnh mạn tính
  • Giảm đau
  • Cho đến chăm sóc trong khi mổ
  • Phục hồi chức năng
  • Vật lý trị liệu

Và theo dõi sau khi mổ do một nhóm nhiều các Bác Sĩ chuyên khoa khác nhau, bắt đầu từ Bác Sĩ gia đình, đến Bác Sĩ gây mê, phẫu thuật chỉnh hình, chuyên viên vật lý trị liệu, Bác Sĩ phục hồi chức năng, và chuyên viên dinh dưỡng.

Gây Mê Khi Thay Khớp Gối

Cơn đau của quý vị cần được kiểm soát hoàn toàn khi phẫu thuật. Các lựa chọn gồm mê toàn thân (general anesthesia) hay gây mê vùng (spinal block) hay cả hai phương pháp kết hợp.

Bác Sĩ phẫu thuật và Bác Sĩ gây mê sẽ thảo luận với quý vị các lựa chọn tốt nhất dựa vào bệnh lý, bệnh sử, và tình trạng sức khoẻ của quý vị.

Rủi Ro Khi Thay Khớp Gối

Khi gây mê, quý vị có thể sẽ có những rủi ro nhất định như nhức đầu, chóng mặt, đau họng (do đặt ống nội khí quản) hay lên cơn đau tim hay đột quỵ (rất hiếm xảy ra).

Những rủi ro khác khi phẫu thuật gồm nhiễm trùng, chảy máu, bị cục máu đông, đau nhức, dị ứng thuốc, khớp nhân tạo bị hư, và sưng khớp sau khi mổ. Quý vị nhớ thảo luận kỹ với Bác Sĩ phẫu thuật và Bác Sĩ gây mê để biết thêm về các rủi ro có thể xảy ra.

Khớp Gối Không Còn Sụn Thì Có Nên Thay Khớp?

Câu trả lời tuỳ vào quý vị có bị đau hay không? cơn đau do khớp có kiểm soát không, có bị ảnh hưởng đến cuộc sống hay không? và có thuộc về trường hợp nào nên thay như đã nói ở trên. Nếu chỉ có tổn thương sụn chỉ thấy trên hình ảnh thì không nhất định phải thay khớp gối.

Khi Bác Sĩ Mổ Nói Tôi Nên Thay Khớp Mà Bác Sĩ Nội Khoa Nói Không Nên Thay Khớp?

Quý vị nên thảo luận kỹ với các Bác Sĩ và cùng ra quyết định. Thông thường nếu quý vị không mắc 7 điểm cần thay khớp ở trên thì tôi khuyên quý vị không nên thay khớp. Thay vào đó, tiếp tục các phương pháp không can thiệp để chữa bệnh viêm khớp do thoái hoá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *