cách đọc kết quả xét nghiệm máu
Sức Khỏe

Đây Là Cách Nhanh Nhất Đọc Kết Quả Xét Nghiệm Máu

4.3/5 - (3 bình chọn)

Nhiều quý vị hỏi tôi về cách đọc hiểu kết quả xét nghiệm máu. Trong các bài viết này, tôi sẽ chỉ ra các điểm cơ bản về đọc hiểu xét nghiệm máu, phân tích xét nghiệm máu tổng quát “thường do Bác Sĩ gia đình cho xét nghiệm” và phân tích kết quả xét nghiệm máu chuyên khoa “thường do Bác Sĩ chuyên khoa cho xét nghiệm”.

Những điểm quan trọng cần biết trong đọc hiểu xét nghiệm máu

Đọc Kết Quả Xét Nghiệm Máu Phải Tùy Theo Từng Bệnh Nhân

Tất cả các xét nghiệm đều cần có lý do như có triệu chứng lâm sàng, tầm soát bệnh, hay theo dõi bệnh.

Vì vậy, Đọc kết quả xét nghiệm máu phải kết hợp với bệnh sử, triệu chứng lâm sàng, và lý do vì sao Bác Sĩ của mình đặt các xét nghiệm máu.

Quý vị nên ghi lại các kết quả xét nghiệm cũ vì Bác Sĩ sẽ so sánh kết quả xét nghiệm cũ để theo dõi thay đổi, xu hướng, và dự đoán bệnh của quý vị.

Quý vị cũng nên nhớ rõ các chỉ số của mình như Ha1c trong bệnh tiểu đường hay hồng huyết cầu Hb trong bệnh thiếu máu.

Các khoảng tham chiếu “Reference range” chỉ là tham chiếu, không nên quá dựa vào khoảng tham chiếu để lo âu.

Ví dụ như ngưỡng thấp của bạch huyết cầu “WBC” là 4.0 mà bệnh nhân có kết quả 3.9 thì khoan vội kết luận là thấp bạch huyết cầu, rồi dẫn đến suy đoán về ung thư máu. Với nhiều bệnh nhân thì WBC ổn định ở mức 3.5-4.0 thì không sao cả.

Nên Thử Lại Xét Nghiệm Máu Nếu Nghi Ngờ Kết Quả

Ví dụ như xét nghiệm hồng huyết cầu của quý vị là Hb 6.0 “bình thường Hb là trên 12” mà bệnh nhân không có triệu chứng của bệnh thiếu máu, da không tái, hay mệt mỏi, thì có khả năng kết quả Hb 6.0 là không chính xác.

Rất hiếm xảy ra, nhưng vẫn có trường hợp lỗi tên hay hồ sơ xét nghiệm lab quý vị bị nhầm lẫn với một bệnh nhân khác nên kết quả xét nghiệm máu hoàn toàn khác biệt những lần trước.

Cần Phân Biệt Rõ Giữa Kết Quả Xét Nghiệm Tầm Soát “Screening” Và Theo Dõi Bệnh “Surveillance”.

Xét nghiệm tầm soát dành cho bệnh nhân chưa có bệnh và kết quả dương tính thường cần thêm các xét nghiệm khác để tìm ra lý do bệnh.

Ví dụ như tầm soát bệnh đường ruột thông qua tìm máu trong phân “FOBT“. Kết quả dương tính gợi ý là có máu trong phân nhưng chưa biết chắc từ đâu ra.

Máu có thể từ nhiều nguồn khác nhau như bệnh trĩ hay ung thư ruột già, bệnh nhân cần có thêm thủ thuật nội soi để tìm ra lý do có máu trong phân.

Trong khi đó, xét nghiệm theo dõi là xét nghiệm bệnh nhân đã có bệnh. Ví dụ như bệnh ung thư ruột, Bác Sĩ sẽ theo dõi men CEA trong máu để theo dõi độ ổn định của ung thư sau khi chữa trị.

Quý Vị Nên Nhờ Bác Sĩ Giải Thích Bệnh Khi Đọc Kết Quả Xét Nghiệm Máu.

Quý vị không nên tự ý đọc và dịch các kết quả xét nghiệm máu. Bài viết này, vì vậy, chỉ mang tính tham khảo sau khi quý vị đã được tư vấn từ Bác Sĩ với các kết quả xét nghiệm.

Bác Sĩ chuyên khoa và Bác Sĩ gia đình có thể giải thích xét nghiệm máu khác nhau dù cùng một kết quả. Bệnh nhân cần hỏi lại Bác Sĩ của mình nếu thấy có sự khác biệt.

Ví dụ như bệnh nhân dương tính +ANA 1:80. Bác Sĩ gia đình sẽ nói đây là kết quả dương tính, nghi ngờ có bệnh về hệ miễn dịch.

Trong khi đó, Bác Sĩ chuyên khoa, sau khi thăm khám không thấy các triệu chứng lâm sàng, thì có tể giải thích cho bệnhnhân là kết quả +ANA 1:80 là bình thường.

Bác Sĩ Chữa Người Chứ Bác Sĩ Không Chỉ Chữa Các Con Số Xét Nghiệm

Một lỗi thỉnh thoảng hay gặp là Bác Sĩ và bệnh nhân quá chú trọng vào các con số xét nghiệm máu và tìm cách chữa trị sao cho các con số này trở lại bình thường.

Chúng ta chữa người chứ không chỉ chữa các con số. Chúng ta chú trọng vào chất lượng cuộc sống bệnh nhân chứ không phải những con chữ trên giấy tờ.

Một bệnh nhân 90 tuổi chỉ số lọc thận GFR sẽ giảm theo thời gian, có thể chỉ còn 40, nhưng nếu chỉ số này ổn định thì Bác Sĩ và BN chỉ nên tiếp tục theo dõi.

Bác Sĩ và BN không nhất thiết tìm ra mọi lý do vì sao GFR bị thấp “như lấy sinh thiết thận” hay ráng tìm cách chữa làm sao GFR trở nên bình thường.

Vì vậy, Bác Sĩ cần có cái nhìn tổng thể, kết hợp bệnh sử, triệu chứng lâm sàng, các chỉ định xét nghiệm, và tình hình cơ địa và bệnh lý của mỗi bệnh nhân mà có cách đọc dịch giải thích kết quả xét nghiệm máu phù hợp nhất.