Đau vùng háng (xương chậu) là triệu chứng thường gặp ở nhiều người. Bài viết này chỉ ra một vài lý do hay gặp của đau khớp háng.
Lưu ý là vị trí đau có thể gợi ý cho Bác Sĩ biết nguyên nhân của cơn đau. Thông thường, đau vùng háng bên ngoài, phần trên của đùi, hay phần ngoài của mông thường do tổn thương phần mềm như viêm bao hoạt dịch khớp hay viêm cơ gân.
Trong khi đó, đau vùng bên trong háng thường liên quan đến xương và khớp. Trong vài trường hợp, đau vùng háng có thể dẫn đến đau lưng hay đau khớp gối. Vì vậy chữa trị đau lưng bắt đầu từ chữa trị đau khớp háng.
Mục Lục Bài Viết
Nguyên Nhân Đau Khớp Háng
1. Viêm khớp: nhiều loại viêm khớp có thể làm đau vùng háng như viêm khớp dạng thấp (RA), viêm khớp do thoái hóa (hay gặp nhất ở người cao tuổi), viêm khớp vảy nến, và viêm khớp nhiễm trùng.
Bác Sĩ sẽ hỏi bệnh sử quý vị, thăm khám, và chữa trị tùy theo nguyên nhân. Sau khi chữa trị, Bác Sĩ có thể sẽ chuyển quý vị tập thêm vật lý trị liệu giảm đau.
2. Viêm hay chấn thương sưng phần mềm xung quanh khớp háng như viêm bao hoạt dịch khớp háng (bursitis), trật khớp háng do vận động, gãy xương, giãn gân và dây chằng.
Thường Bác Sĩ sau khi chẩn đoán sẽ gửi quý vị đi chụp hình ảnh, thường là MRI để xem các tổn thương phần mềm thế nào. Tập trị liệu sau khi chữa trị (thuốc hay phẫu thuật) cũng sẽ làm quý vị giảm đau vùng khớp háng.
3. Tổn thương dây thần kinh: Vùng háng chúng ta là vùng bận rộn với nhiều dây thần kinh và mach máu, gồm các dây thần kinh và mạch máu chính.
Vì vậy, chỉ cần tổn thương (bị ép) một tí cũng sẽ dẫn đến đau nhức. Thường đau nhức do dây thần kinh có triệu chứng tê buốt, lan tỏa ra vùng đùi dưới, vùng chân, và thường cải thiện với tập trị liệu.
Các dây thần kinh thường bị đau vùng háng là đau thần kinh hông (Sciatica) hay thần kinh vùng ngoài Meralgia paresthetica.
4. Ung thư di căn đến xương vùng chậu và háng: Nhiều ung thư, như ung thư ruột, phổi, bàng quang, thường di căn đến xương vùng chậu và háng, gây ra các cơn đau dữ đội.
Chữa trị bao gồm chữa kiểm soát ung thư và trị liệu giảm đau (chích, xạ trị, hay phẫu thuật). Ung thư xương (bone cancer) cũng có thể gây ra đau khớp háng.
Ung thư máu cũng có thể gây ra đau khớp háng do các tế bào máu phát triển từ tủy xương vùng háng.
5. Các lý do khác như hoạt tử khớp do mất máu/thiếu máu, loãng xương làm tổn thương phần sụn và yếu xương, viêm nhiễm trùng xương. Bác Sĩ sẽ chữa trị dựa vào nguyên nhân gây ra đau nhức.
Viêm Bao Hoạt Dịch (bursitis) Của Khớp Háng
Bao hoạt dịch là túi nhỏ chứa chất lỏng ở bề ngoài khớp, nhằm giảm ma sát khi khớp vận động. Khớp háng có nhiều bao hoạt dịch bao xung quanh chỏm xương đùi.
Khi chúng ta vận động lặp đi lặp lại nhiều động tác của khớp, dẫn đến viêm và sưng các túi chất lỏng bảo vệ này.
Bao hoạt dịch ngoài cùng chỏm xương đùi thường dễ bị tổn thương nhất khi chúng ta vận động nhiều, chấn thương (té ngã), hay do tư thế ngồi/nằm không đúng.
Các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh tự miễn, gout, cũng có thể làm viêm sưng bao hoạt dịch
Triệu chứng khi là đau sưng vùng ngoài khớp háng, đặc biệt là đau nhức khi nằm nghiêng bên vùng đau.
Nhiều quý vị không thể nằm ngủ bên đau được (do ép vào vùng bị đau). Đau nhức thêm khi quý vị cố đứng dậy hay đi lên cầu thang hay các hoạt động khác
Chữa trị: nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Dùng thuốc kháng viêm như Ibuprofen, Aleve, chườm nóng/lạnh. Một số trường hợp nặng có thể cần chích steroid vào vùng đau để giảm đau.
Hiếm khi, phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng, đặc biệt vùng đau nhức có liên quan đến nhiễm trùng hay chấn thương. Tập vật lý trị liệu sẽ giúp quý vị bớt đau và từ từ phục hồi cơ bắp.
Ngăn ngừa: Đi đứng và làm việc vùng khớp vừa phải, tránh vận động quá nhiều. Nếu quý vị thừa cân thì giảm cân có thể là một cách hữu hiệu để hạn chế đau viêm sưng bao hoạt dịch. Dùng nạng hay gậy để giảm đau hay lực ép lên vùng bị đau.
Viêm Khớp Háng Do Thoái Hóa (Hip Osteoarthritis)
là một lý do hay gặp khác gây ra đau nhức vùng khớp háng. Thường bệnh nhân sẽ cảm giác đau âm ỉ bên trong khớp và bên dưới vùng chậu, cơn đau thường nhiều hơn khi bệnh nhân đứng dậy, leo cầu thang, làm các hoạt động nặng và bớt đau khi bệnh nhân ngồi nghỉ.
Bệnh nhân đôi khi cũng cảm giác khớp háng bị cứng, khó di chuyển được vào buổi sáng.
Bệnh thoái hóa khớp xảy ra khi lớp sụn bảo vệ phần đầu xương của xương đùi và xương bên trong (ổ chảo) của xương chậu bị mòn đi, khiến xương dễ tiếp xúc trực tiếp lên xương gây ra cơn đau.
Một ví dụ tôi hay thường dùng để giải thích bệnh thoái hóa khớp như là việc bánh xe mòn đi theo thời gian (khi chúng ta lớn tuổi) khiến nang xe bị tiếp xúc mặt đường, không chạy tốt được.
Có nhiều rủi ro có thể tăng bệnh viêm thoái hóa khớp háng như béo phì và các bệnh tự miễn về khớp như viêm khớp dạng thấp cũng hoặc vận động làm việc quá nhiều cũng có thể khiến khớp thoái mái nhanh hơn.
Chữa trị bắt đầu bằng việc thay đổi cách sống, giảm cân, chữa các bệnh mãn tính, uống thuốc, tập vật lý trị liệu.
Trong trường hợp viêm khớp quá nặng làm ảnh hưởng đến chức năng vận động hoặc đau nhức kinh khủng thì Bác Sĩ có thể khuyên bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng. Ngày nay kỹ thuật này làm nhanh và an toàn hơn trước nhiều, thường là quả mổ xâm lấn tối thiểu.
Khi Nào Nên Gặp Bác Sĩ
Thường đau khớp do tổn thương phần mềm (làm việc quá nhiều, khiêng kéo vật nặng) sẽ cải thiện khi quý vị nghỉ ngơi, uống thuốc không cần toa, và dùng khăn ấm hay nước đá chườm vào vùng đau.
Quý vị nên đi gặp Bác Sĩ nếu có các triệu chứng sau:
- Đau khớp háng/vùng háng liên tục, không giảm sau khi uống thuốc hay nghỉ ngơi
- Cơn đau nhức kèm theo tê chân, yếu chân một bên
- Khớp háng bị cứng, không thể cử động hay dang rộng như trước kia
- Không đi được, khớp bị sưng, đổi màu, hay khớp vùng háng bị méo
- Đau khớp kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau bụng, ớn lạnh, sụt cân, hay bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm khác
Quan Trọng Nhất Là Khi Đau Khớp Háng
Vì cơn đau khớp háng có thể ảnh hưởng đến an toàn khi lái xe của quý vị (có thể không đạp chân thắng/chân ga). Vì vậy, quý vị nên nhờ người thân chở mình đi khám Bác Sĩ nếu bị đau khớp háng.